Đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng được tư vấn thành mua bảo hiểm, khách hàng “ôm quả đắng” nguy cơ mất trắng 100 triệu đồng

Những năm trở lại đây, bancassuarance – phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trở thành kênh “hái ra tiền” của các nhà băng. Nhưng cũng chính việc chạy theo chỉ tiêu một cách ồ ạt như hiện nay đã làm cho việc bán bảo hiểm qua Ngân hàng có nhiều góc tối.

Dư luận thời gian qua liên tục phản ánh việc các khách hàng đi vay tại Ngân hàng bị ép mua bảo hiểm mới được giải quyết hồ sơ nhanh. Bên cạnh khách hàng vay thì khách hàng giao dịch gửi tiết kiệm lại có những bức xúc khác về việc mua bảo hiểm qua ngân hàng.

Câu chuyện của chị X, một nhân viên văn phòng khi đến gửi tiết kiệm tại Ngân hàng S mới đây lại một lần nữa gây xôn xao trên diễn đàn bảo hiểm.

Cầm trong tay 100 triệu đồng đến ngân hàng S với dự định ban đầu là gửi Tiết kiệm, chị X được nhân viên giao dịch chào mời sản phẩm tương tự như gửi tiết kiệm với lãi suất cao từ 8,7% đến 15% lại đi kèm quyền lợi bảo hiểm.

Theo cách giải thích của nhân viên tại Ngân hàng S, chị X hiểu gói sản phẩm của mình là TIẾT KIỆM, có kèm quyền lợi bảo hiểm và thời gian tham gia chỉ cần 5 năm.

Sau đó ít lâu, được sự tư vấn của bạn bè, chị mới phát hiện ra là nhân viên tư vấn đã “ôm” trọn cả số tiền 100 triệu đồng vào bảo hiểm nhân thọ.

Hợp đồng của chị đã ký thực chất là hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ với công ty bảo hiểm, chứ không phải là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng như chị tưởng tượng. Chị X lúc này mới ngớ người vì không được tư vấn một chút nào về chi phí bảo hiểm.

Vấn đề đau đầu nhất sau đó chị phát hiện ra là phí bảo hiểm những năm sau chị phải đóng là hơn 87 triệu đồng, tương đương hơn 7 triệu đồng/tháng, một số tiền quá lớn đối với thu nhập của chị X. Nếu từ năm sau không tiếp tục tham gia, chị X sẽ mất trắng số tiền 100 triệu đồng phí năm đầu tiên.

Chị X sau đó đã đến Ngân hàng phản ánh về việc Không tự nguyện tham gia giá trị hợp đồng bảo hiểm lớn như vậy cũng như việc đã không được tư vấn viên tư vấn một cách chính xác vấn đề.

Chị nhận được lời hứa “chờ Lãnh đạo giải quyết”, sau 20 ngày từ sau cuộc họp làm việc với các bên, câu trả lời chị nhận được từ phía Ngân hàng và công ty bảo hiểm là KHÔNG giải quyết vì thiếu căn cứ.

Chị X cũng cho biết tình hình tài chính của chị được họ tự kê khống làm nghề bất động sản, thu nhập hơn 60 triệu/tháng. “Tôi yêu cầu được xem lại bảng phân tích nhu cầu tài chính và toàn bộ hồ sơ nhân viên đã làm cho tôi khi ký hợp đồng để thấy rõ không phải chữ của tôi viết nhưng bộ phận cấp hồ sơ vẫn thản nhiên duyệt, không cần quan tâm khách hàng có theo nổi hợp đồng không?”

Thực chất, đây cũng là một kẽ hở khiến các tư vấn viên lợi dụng để “lừa” khách hàng tham gia những gói bảo hiểm giá trị lớn và qua mặt sự kiểm soát từ phía Công ty. Với những gói bảo hiểm có mức phí lên đến cả trăm triệu đồng một năm thì việc thẩm định nguồn thu nhập của khách hàng là cần thiết, ngoài việc xác định khả năng đóng phí các năm tiếp theo để đảm bảo lợi ích cho khách hàng còn liên quan đến “rủi ro” khi sinh mệnh của khách hàng có giá trị bảo hiểm lớn.

Đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng được tư vấn thành mua bảo hiểm, khách hàng ôm quả đắng mất trắng 100 triệu đồng. - Ảnh 1.
Đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng được tư vấn thành mua bảo hiểm, khách hàng ôm quả đắng mất trắng 100 triệu đồng. - Ảnh 2.

Khi bài và ảnh hợp đồng chị X đăng tải trên mạng, có rất nhiều ý kiến của những người làm nghề bảo hiểm vào bình luận: “Chia buồn cùng bạn khi bị ép mua 1 gói bảo hiểm quá sức kinh tế của mình. Thật sự bảo hiểm rất tốt nhưng nó phải là sự phù hợp, được tư vấn đúng đủ.”

Một ý kiến khác khẳng định: “Từ phía công ty thì không có công ty bảo hiểm nào đào tạo như vậy. Vì mọi vấn đề về sau đều là công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm nên ko công ty nào training tư vấn như vậy. Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng nhiều vụ thế này rồi, nhân viên không đủ kiến thức hoặc vì chạy theo KPI cố nói sai bản chất vấn đề.”

“Thương hiệu Ngân hàng quá lớn, ban đầu khách đến Bank để gửi tiết kiệm, tuy nhiên khi đến đây, khách được nhân viên tư vấn có sản phẩm liên kết lãi suất cao hơn lại được cả quyền lợi bảo vệ lên cả tiền tỷ,… Sản phẩm bank phát hành ra, quá an tâm, ai chả thích, ký ngay chứ cần gì phải tham khảo ở đâu nữa”.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến “trách” chị X khi bỏ ra một số tiền như vậy mà không tìm hiểu kỹ hợp đồng. Bảo hiểm có 21 ngày để khách hàng cân nhắc và huỷ hợp đồng, nếu chị X tìm hiểu kỹ lưỡng hơn có lẽ chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.

Một nhân viên tư vấn lâu năm trong ngành khẳng định: “Công ty bảo hiểm nào cũng làm đúng luật kinh doanh bảo hiểm. Đây là do bạn tin nhầm tư vấn viên, người này hoặc vô tình do không có kiến thức hoặc cố ý. Vậy nên khách hàng cần thông thái hơn, phải tìm hiểu kĩ hợp đồng của mình trước khi đặt bút kí và lựa chọn một tư vấn viên có Tâm, có Tầm để quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.”

Những câu chuyện như của chị X không phải hiếm gặp trong thời kỳ bancassuarance nở rộ như hiện nay. Bảo hiểm là tốt, sản phẩm bảo hiểm cũng nhân văn và có ích, nhưng chính cách “bán hàng” bằng mọi giá của những người trực tiếp tư vấn khách hàng đang làm xấu đi hình ảnh uy tín và đáng tin của Ngân hàng và Công ty bảo hiểm.

Thiết nghĩ, các Ngân hàng, các công ty bảo hiểm cũng cần siết lại quy định quản lý chặt chẽ với đội ngũ tư vấn trực tiếp, tránh để “con sâu tiếp tục làm rầu nồi canh”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *