FED là gì? Tất tần tật thông tin về FED

FED là gì?

FED là thuật ngữ quen thuộc đối với những ai đang quan tâm đến đầu tư và tài chính. Các nhà đầu tư dù là F0 hay “lão làng” trong thị trường chứng khoán, crypto cũng sẽ thường xuyên nghe đến việc FED tăng lãi suất làm ảnh hưởng đến toàn thị trường. Vậy cụ thể thì FED là gì? Lịch sử hình thành phát triển của FED ra sao? Và vai trò của tổ chức này trong thị trường tài chính là như thế nào? Bài viết này, 3Gang sẽ lần lượt làm rõ các vấn đề trên để bạn đọc nắm được một cách đầy đủ và chi tiết nhất về FED.

1. FED là gì?

FED là gì?
FED là gì?

FED là viết tắt của Federal Reserve System hay còn được gọi là Cục dự trữ Liên bang, là Ngân hàng Trung ương Mỹ, FED được thành lập từ ngày 23/12/1913. FED do tổng thống Woodrow Wilson tạo ra theo đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” để duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và an toàn cho nước Mỹ. 

FED hoạt động hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Hoa Kỳ. FED được biết đến là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in tiền USD (đô la Mỹ). Chính vì vậy đây là cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ. Việc FED thay đổi lãi suất, lượng cung tiền sẽ gây  tác động trực tiếp đến thị trường và nhà đầu tư.

Hệ thống Dự trữ Liên bang có cơ cấu tổ chức bao gồm các thành phần chính sau đây:

  • Hội đồng Thống đốc có 7 thành viên, nhiệm kỳ 14 năm và do Tổng thống Hoa Kỳ chỉ định.
  • Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC)
  • Các ngân hàng của FED gồm 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực, được đặt tại các thành phố lớn
  • Các ngân hàng thành viên

Trong đó:

Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên được đề cử bởi Tổng thống Mỹ và được Thượng viện thông qua. Đây cũng chính là những người đưa ra quyết định quan trọng về các chính sách tiền tệ.

Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc và gồm 5 chủ tịch ngân hàng chi nhánh. Họ có nhiệm vụ là thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở liên bang.

2. Lịch sự hình thành của FED

Lịch sự hình thành của FED
Lịch sự hình thành của FED

Vào năm 1910, do lo ngại khủng hoảng tài chính và kinh tế khiến cho Mỹ tin rằng cần phải thay đổi ngay về hệ thống ngân hàng quốc gia. Mặc dù Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ luôn có những bất đồng trong nhiều lĩnh vực, nhưng riêng vấn đề này thì cả hai đảng đều đồng nhất quan điểm và tin tưởng hệ thống tiền tệ hiện tại đang thiếu linh hoạt và không còn đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế quốc gia.

Đảng Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich dẫn đầu đã tuyên bố ủng hộ việc ra đời của ngân hàng trung ương dưới sự bảo trợ bởi một ngân hàng tư nhân có trụ sở ở Washington, D.C bởi nó dễ dàng mở rộng hoặc ký kết hợp đồng tiền tệ khi cần. Trái lại thì Đảng Dân chủ lại không tin tưởng vào các ông chủ Phố Wall nên họ ủng hộ thành lập một hệ thống ngân hàng do chính phủ kiểm soát. Tất nhiên thì hệ thống này sẽ là sự phối hợp của tất cả các bên trong đó có các giám đốc ngân hàng tư nhân, những người có nhiều kinh nghiệm về chính sách tiền tệ; các cá nhân có thẩm quyền – tức là người sẽ bảo vệ công dân khỏi sự thờ ơ của các chủ ngân hàng.

Sau nhiều cuộc tranh luận gay cấn giữa các đảng phái thì cuối cùng vào tháng 11 năm 1913, Quốc hội đã thông qua “Đạo luật Dự trữ liên bang”  dựa theo các ý tưởng của Aldrich Plan. Paul Warburg cùng nhiều chuyên gia được chỉ định để điều hành hệ thống non trẻ này. Cho đến năm 1915 thì FED chính thức đi vào hoạt động và đóng vai trò chủ chốt tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Mỹ và phe liên minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Cục Dự trữ Liên bang là một trong số rất ít các ngân hàng trung ương trên thế giới không phải chịu bất kỳ sự kiểm soát hay quyết định nào từ phía chính phủ, đóng vai trò độc lập mặc dù nó vẫn chịu trách nhiệm bởi cơ quan Hành Pháp. Cũng nhờ vậy mà các phán quyết đưa ra sẽ không phục vụ riêng cho lợi ích của một phe phái nào mà chỉ phục vụ cho người dân và các lợi ích chung của công cộng. Ngoài ra, để tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào ngân hàng ở New York cũng như tăng quyền lực của các vùng nội địa thì một hệ thống ngân hàng mới ra đời sẽ nằm ở cả 12 vùng trên khắp nước Mỹ.

3. Vai trò của FED là gì?

Như đã nói ở trên thì Cục dự trữ Liên bang là tổ chức hoàn toàn độc lập và không hề phụ thuộc bất kỳ chính sách nào của chính phủ Hoa Kỳ. FED cũng là tổ chức duy nhất trên toàn thế giới được phép phát hành USD (Đô la Mỹ). Chính vì vậy FED được đánh giá là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ.

Việc điều chỉnh lãi suất ở các phiên họp và việc thay đổi lượng cung tiền qua các nghiệp vụ thị trường mở của Cục dự trữ Liên bang sẽ có tác động rất lớn đến tình hình tài chính trên toàn cầu. FED có vai trò thực hiện những chính sách trên để đảm bảo sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Mỹ.

4. Nhiệm vụ của FED là gì?

Từ những vai trò to lớn chúng tôi vừa đề cập bên trên thì ta có thể thấy được nhiệm vụ mà FED phải thực hiện là vô cùng phức tạp và cực kỳ quan trọng. Các nhiệm vụ chính mà Cục dự trữ Liên Bang phải thực hiện trong Đạo luật năm 1977 được nêu rõ như sau:

  • Thực thi chính sách tiền tệ của Chính phủ thông qua việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo ổn định về giá cả của hàng hóa và ban hành lãi suất phù hợp đối với nền kinh tế.
  • Đảm bảo sự ổn định tình hình kinh tế và kiểm soát những rủi ro có khả năng xảy sẽ ra trên toàn thị trường tài chính của Hoa Kỳ.
  • Giám sát các tổ chức ngân hàng thành viên để đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống tài chính. Quyền lợi về tín dụng của nhân dân cũng phải được chú trọng bảo vệ.
  • Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức nước ngoài và tổ chức quản lý tài sản trong nước và Chính phủ Mỹ. 

5. Lãi suất của FED hiện nay

Lãi suất của FED hiện nay
Lãi suất của FED hiện nay

Hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cho đẩy mạnh việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này như một lời cảnh báo nguy cơ suy thoái nền kinh tế ngày càng gia tăng. Khi FED tăng lãi suất có thể làm trì trệ các hoạt động kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên thì hiện tại nền kinh tế Mỹ vẫn có một bệ đỡ khá vững vàng và suy thoái nếu có xảy ra thì cũng sẽ ở mức độ nhẹ và diễn ra trong một thời gian ngắn.

Tại cuộc họp ngày 15/6 vừa qua, FED đã tăng lãi suất lên 0,75 phần trăm. Đây được xem là mức tăng nhiều nhất kể từ năm 1994 đến nay để kiềm chế tình trạng lạm phát tăng cao. Động thái gần đây nhất là FED đã tăng lãi suất thêm 1,5 phần trăm tính từ thời điểm đầu năm cho đến nay và đưa lãi suất lên khoảng 1,5  đến 1,75%. 

Quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 của FED năm nay đã được thông qua sau khi lạm phát ở Mỹ tăng cao đột biến vào tháng 5 và nó không có dấu hiệu hạ nhiệt như thị trường kỳ vọng trước đó.

6. Khi FED tăng lãi suất tác động như thế nào đối với nền kinh tế?

6.1 Xét về kinh tế thế giới 

Thứ nhất, về ngắn hạn thì FED đã tăng lãi suất và dự báo là còn sẽ tăng lên vào cuối năm 2022. Điều này có gây ra tác động tiêu cực đối với đà phục hồi của kinh tế bởi tiêu dùng và đầu tư sẽ giảm, nó cũng có thể sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào trạng thái suy thoái mặc dù hiện tại thì FED lại nhận định rằng kinh tế Mỹ vẫn ở tình trạng ổn định.

Một số chuyên gia đã cho rằng biến động lãi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ khi lợi suất kỳ hạn 2, 3 và 5 năm có xu hướng hội tụ ( Tức là lãi suất dài hạn bằng lãi suất ngắn và trung hạn). Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng cao kinh tế Mỹ sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong thời gian tới. 

Hiện tại thì FED vẫn đang thực hiện truyền thông với thông điệp rằng mức tăng 75 điểm là mức tăng bất thường và có tính thời điểm. FED nhận định rằng động thái tương tự có thể không được thực hiện thêm nhiều lần nữa, điều này chứng tỏ FED cũng lo ngại về nguy cơ đình lạm ( Tức là nền kinh tế đình đốn khi lạm phát cao) của nền kinh tế.

Thứ hai, dự báo lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối 2022 và tăng lên mức 3,8% năm 2023. Điều này làm cho chi phí vốn và chi phí trả nợ của các hộ gia đình và các doanh nghiệp tăng cao đồng thời làm cho kinh tế Mỹ tăng chậm lại. Tuy nhiên thì mức tăng sẽ ổn định hơn khi mà lạm phát được kiểm soát dần và tỷ lệ thất nghiệp về mức 3,5% như trước đại dịch COVID-19.

Ngoài ra việc do căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn còn, chính sách Zero Covid của Trung Quốc bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu khiến cho mặt bằng giá khó có thể giảm xuống, vậy nên FED phải tiếp tục thu hẹp chính sách tiền tệ của mình.

Thứ ba, việc FED tăng lãi suất đã làm cho tỷ giá USD so với các đồng nội tệ đều tăng, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên nó lại gây khó khăn cho nhập khẩu và tạo áp lực lạm phát nhập khẩu cho những nước nhập siêu gia tăng lên.

Thứ tư, lãi suất FED tăng khiến cho thị trường tài chính biến động, trong đó nổi bật nhất là tình trạng dịch chuyển vốn đầu tư gián tiếp. Theo đó thì một số nhà đầu tư sẽ trú ẩn ở những kênh an toàn hơn. Họ thường có xu hướng chuyển một phần danh mục đầu tư của mình về Mỹ và khu vực khác- đó là những nơi mà lãi suất tăng và rủi ro ở mức có thể chấp nhận được.

Vì sao khi FED tăng lãi suất lại có thể gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu?

Khi Cục dự trữ Liên bang nhận thấy CPI ( Tức là chỉ số giá tiêu dùng) tăng cao và giá cả hàng hóa đang ở mức cao thì chứng tỏ tình trạng lạm phát đang trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, FED sẽ tiến hành kìm hãm mức tăng giá của hàng hóa để ổn định lại nền kinh tế. Tổ chức này sẽ thực hiện một số điều chỉnh về lãi suất (Cụ thể trong trường hợp này là việc tăng lãi suất), thắt chặt cung ứng tiền qua việc bán trái phiếu kho bạc và tăng mức dự trữ của các ngân hàng thành viên.

Khi FED tăng lãi suất thì mọi hoạt động cho vay của doanh nghiệp và cá nhân đều gặp khó khăn hơn. Không những Mỹ mà toàn cầu đều sẽ phải chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của FED.

6.2 Xét về kinh tế Việt Nam 

Đối với nền kinh tế Việt Nam thì việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động rất rõ rệt mặc dù nó nằm ở mức độ ít hơn so với các quốc gia mới nổi hoặc các quốc gia phát triển khác.

Thứ nhất, hoạt động thương mại của nước ta có thể có nguy cơ tăng chậm lại khi sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm. Việc FED tăng lãi suất trong tương lai sẽ định hình rõ nét hơn về xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát. Điều này khiến cho chi phí vay nợ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng lên và các doanh nghiệp cũng như người dân sẽ lo ngại, cân nhắc hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư, tiêu dùng, nhất là với tiền vốn vay. 

Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu giảm, điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Việt Nam và nó tác động trực tiếp tới sự phục hồi kinh tế của nước ta.

Thứ hai, khi FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến cho đồng USD lên giá hơn so với đa số các đồng tiền khác và ngược lại khi FED hạ lãi suất thì USD giảm và VND cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy mà FED cũng đã tạo sức ép lớn hơn lên cặp tiền tệ USD/VND. 

Tính đến nay thì tỷ giá USD/VND trên thị trường đã tăng hơn 1,65%, chỉ số DXY đã tăng lên 9,9% so với cuối năm 2021. Mức chênh lệch lãi suất VND – USD được nhận định là đang ở mức thấp trong vòng nhiều tháng qua. Chênh lệch lãi suất VND – USD kỳ hạn một tuần ở mức -0,3%- 0% và FED sẽ còn tiếp tục tạo áp lực tăng tỷ giá hơn trong giai đoạn tới.

Thứ ba, việc FED tăng lãi suất sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất trong nước ta tăng lên. Do vậy mà chi phí vay vốn mới cũng như nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD cũng tiếp tục tăng, điều này dẫn đến lãi suất huy động chịu nhiều áp lực tăng giá. 

Dự kiến là lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong bối cảnh sự thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đang bị thu hẹp; sức ép từ lạm phát tăng cao và chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng 2,86% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là nó kéo theo nhu cầu vốn tăng. 

Với nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD thì các động thái của FED sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản nợ trả bằng USD. Khi lãi suất và tỷ giá USD tăng lên tức là nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.

Thứ tư, việc tăng lãi suất của FED sẽ tác động trực tiếp đến dòng vốn đầu tư, đặc biệt là hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài. Một số nhà đầu tư lo ngại rủi ro sẽ lựa chọn rút vốn từ các thị trường mới nổi và quay về đầu tư tại thị trường Mỹ hoặc một số thị trường khác mà họ cho rằng an toàn hơn để trú ẩn đồng thời hưởng lãi suất cao hơn trước. Trước đó thì động thái này cũng đã xảy ra vào năm 2021 và nhận định sẽ xảy ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022, mặc dù triển vọng kinh tế của nước ta vẫn đang  tích cực.Tuy nhiên thì dự báo xu thế này không rõ ràng và nó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường Việt Nam. Điều này đã thể hiện trong 5 tháng đầu của năm 2022, các nhà đầu tư ngoại quốc đã chuyển từ bán ròng sang trạng thái mua ròng và giá trị mua ròng gần một nghìn tỷ đồng.

7. FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

FED mới đây đã tăng lãi suất và có dự báo rằng có thể lãi suất sẽ tăng lên 3,1% đến 3,6% vào cuối năm nay. Chứng khoán Việt Nam có thể sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc FED tăng lãi suất như vậy.

Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu bị thắt chặt hơn đã làm triển vọng tăng trưởng nền kinh tế thế giới giảm sút. Điều này đã dẫn đến nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. 

Thứ hai, lãi suất huy động bằng đồng VND cũng sẽ chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng cao từ giờ cho đến cuối năm 2022 bởi vì lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ tăng cao trong những quý tới. 

Thứ ba, lãi suất USD tăng sẽ gây áp lực đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo ước tính thì nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm đến 39% GDP tính ở cuối 2021. Tính thanh khoản của thị trường tài chính  quốc tế bị thắt chặt hơn. Do đó, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể huy động nguồn vốn trên thị trường quốc tế và chúng ta sẽ phải chịu lãi suất cao hơn.

Thứ tư, về mặt lý thuyết thì dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ bị tác động tiêu cực bởi “taper tantrum”- tức là kế hoạch “rút chân ga” khỏi “cỗ máy kinh tế” qua việc giảm lượng trái phiếu mà FED đã mua vào một cách từ từ trong khoảng thời gian dài. 

Thứ năm, đồng USD mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Đồng USD mạnh sẽ kéo theo tỷ giá USD/VND đã tăng lên 1,7% tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên thì đồng VND vẫn là một trong những đồng tiền được nhận định là ổn định nhất trong khu vực. Các báo cáo nhận định về những yếu tố giữ cho đồng VND vẫn duy trì ở mức ổn định trong những năm gần đây, bao gồm thặng dư thương mại được cải thiện và dự trữ ngoại hối tăng cao. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng trong trung và dài hạn thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chịu áp lực khi chính sách tiền tệ  bị thắt chặt, điều này sẽ làm giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Chứng khoán Việt Nam cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng tương tự như vậy trong giai đoạn trung và dài hạn. Do vậy, các nhà đầu tư cần phải thận trọng trong những quyết định giao dịch ở giai đoạn tiếp theo.

8. Các công cụ tiền tệ của FED là gì?

Các công cụ tiền tệ của FED là gì?
Các công cụ tiền tệ của FED là gì?

Ở các phần trên, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, vai trò và nhiệm vụ của tổ chức FED. Vậy Cục dự trữ Liên bang có những công cụ gì để có thể thực hiện những nhiệm vụ đó? Mời bạn đọc tham khảo thông tin mà 3Gang cung cấp ngay sau đây để tìm ra câu trả lời:

8.1 Thực hiện mua và bán trái phiếu chính phủ

  • Khi FED thực hiện việc mua vào trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thành viên thì  lượng tiền của các ngân hàng này sẽ được tăng lên; khi lượng cung tiền dồi dào và lãi suất giảm thì việc cho vay sẽ trở nên dễ dàng. Biện pháp này được thực hiện để  kích thích nền kinh tế phát triển. 
  • Ngược lại, khi FED bán các trái phiếu chính phủ cho ngân hàng thành viên thì lượng tiền sẽ được rút một phần khỏi nền kinh tế; lượng tiền khan hiếm sẽ làm lãi suất tăng lên và người dân sẽ phải thắt chặt chi tiêu. Biện pháp này được đưa ra để kìm hãm nền kinh tế lạm phát ở mức cao. 

8.2 Đưa ra quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc

  • Cục dự trữ Liên bang sẽ đưa ra quy định về mức dự trữ an toàn của các ngân hàng thành viên. Qua đó thì FED có thể dễ dàng kiểm soát lượng tiền cung ứng ra thị trường. Khi FED quy định mức dự trữ cao thì cũng đồng nghĩa là FED đang muốn thắt chặt cung tiền ra nền kinh tế và các ngân hàng thành viên phải tăng lãi suất để có thể đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. 
  • Ngược lại khi mà FED yêu cầu mức dự trữ thấp thì có nghĩa tổ chức này đang muốn lượng tiền lưu thông được tăng lên, lúc này thì lãi suất sẽ giảm để kích thích nhu cầu vay vốn.

8.3 Thực hiện điều chỉnh lãi suất chiết khấu

  • Khi các ngân hàng thành viên có nhu cầu vay ngắn hạn thì họ sẽ thực hiện vay lãi suất liên ngân hàng hoặc vay từ FED ( Bởi lãi suất thường là thấp hơn lãi suất liên ngân hàng). Khi FED đưa ra thông báo tăng lãi suất chiết khấu thì các ngân hàng thành viên sẽ  dè dặt hơn trong việc đi vay và bên cạnh đó họ cũng hạn chế cho vay bên ngoài. Đây là biện pháp được đưa ra khi mà FED muốn thắt chặt cung ứng tiền tệ.
  • Ngược lại khi Cục dự trữ Liên bang giảm lãi suất chiết khấu để kích thích nhu cầu vay của ngân hàng thành viên thì các ngân hàng lúc này sẽ tích cực cho vay hoặc đầu tư. Đây là biện pháp được đưa ra  khi Cục dự trữ Liên bang muốn tăng cung ứng tiền ra ngoài thị trường.

9. Hoạt động nào của FED sẽ tác động trực tiếp đến thị trường?

Hoạt động nào của FED sẽ tác động trực tiếp đến thị trường?
Hoạt động nào của FED sẽ tác động trực tiếp đến thị trường?

Các động thái từ FED luôn được toàn thế giới săn đón.Trên thực tế thì hai hoạt động dưới đây của FED sẽ làm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường:

9.1 Khi chủ tịch FED phát biểu

Với tư cách là người đứng đầu của FED nên mọi phát biểu của vị chủ tịch này đều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đồng USD. Nhà đầu tư lúc này cần theo dõi sát sao và nghiên cứu kỹ bài phát biểu để tìm ra cách hoạch định chính sách tiền tệ trong tương lai.

Ngoài các bài phát biểu thì việc chủ tịch FED điều trần trước Hạ Viện cũng là một trong những thông tin quan trọng mà các nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm.

9.2 Khi FOMC họp

  • Định kỳ: 8 lần/ năm
  • Thời gian diễn ra: 1h (giờ mùa hè) hoặc 2h sáng (giờ mùa đông – tính giờ Việt Nam)
  • Thời lượng: 1 giờ đồng hồ
  • Thời điểm tuyên bố lãi suất: phần 1 hoặc phần 2
  • Nội Dung FOMC họp bao gồm 2 phần chính:

Phần 1: Chủ tịch FED đọc tuyên bố được soạn thảo sẵn.

Phần 2: Trả lời câu hỏi báo chí. Đây là thời điểm gây ra những biến động nặng nề nhất cho thị trường bởi các câu trả lời sẽ không được chuẩn bị trước và thị trường sẽ biến động theo diễn biến câu trả lời mà chủ tịch FED thông tấn với báo chí.

Tại sao FOMC họp lại khiến các nhà đầu tư quan tâm?

Thực tế thì đây là thời điểm duy nhất báo chí có thể tiếp xúc và chất vấn trực tiếp với chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ. Đặc biệt là FOMC sẽ họp bàn các vấn đề liên quan đến lãi suất cùng và các câu trả lời từ chủ tịch FED sẽ đề cập về tình hình cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế. Đây được xem là đầu mối quan trọng giúp các nhà đầu tư đưa ra nhận định về chính sách tiền tệ trong tương lai.

Trên đây là toàn bộ thông tin mà 3Gang đã tổng hợp để bạn đọc nắm được và hình dung một cách đầy đủ nhất về tổ chức FED. Để có được thành công trên thị trường tài chính thì các nhà đầu tư cần có tư duy nhạy bén cùng với sự can đảm kiên trì. Hy vọng bài viết của 3Gang đã giúp bạn hiểu hơn về FED là gì cũng như giải đáp được thắc mắc việc FED hạ lãi suất thì ảnh hưởng ra sao đến thị trường. Chúng tôi tin tưởng và chúc quý bạn đọc sẽ có những thành công trên con đường đầu tư tài chính của mình!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *