Mô hình 5C là gì? Ý nghĩa của 5C trong thẩm định tín dụng

Trước khi quyết định có cho khách hàng vay vốn hay không, ngân hàng sẽ phải tiến hành thẩm định hồ sơ vốn vay. Để làm được việc này, nhân viên ngân hàng sử dụng mô hình 5C trong tín dụng. Vậy thế nào là mô hình 5C trong tín dụng, quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng là gì? Tất cả sẽ được giải đáp đầy đủ trong nội dung bài viết ngày hôm nay của 3Gang.

Room tín dụng là gì? Tại sao cần quan tâm đến room tín dụng của ngân hàng?

Mô hình 5C trong tín dụng là gì?

5C trong tín dụng là viết tắt của từ tiếng Anh “Five Cs of Credit”
5C trong tín dụng là viết tắt của từ tiếng Anh “Five Cs of Credit”

5C trong tín dụng là viết tắt của từ tiếng Anh “Five Cs of Credit”. Đây là một mô hình/nguyên tắc được ngân hàng, tổ chức tài chính sử dụng để đánh giá khả năng trả được nợ của những khách hàng đi vay. Mô hình 5C sẽ phân tích 5 đặc điểm của người vay cùng với các điều kiện của khoản vay, đồng thời cố gắng đưa ra những ước tính về nguy cơ vỡ nợ và tổn thất tài chính của bên cho vay. Từ đó đưa ra quyết định có cho vay vốn hay không.

5C trong tín dụng là viết tắt của 5 đặc điểm, đó là:

  • Character (Uy tín và thái độ của người đi vay)
  • Capacity (Năng lực của người đi vay)
  • Capital (Vốn)
  • Collateral (Tài sản đảm bảo)
  • Conditions (Các điều kiện khác)

Các thành phần của mô hình 5C trong tín dụng

Khi các cá nhân, tổ chức đi vay vốn tại ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, việc thẩm định hồ sơ vay vốn là một bước rất quan trọng. Theo đó, đơn xin vay vốn của khách hàng sẽ được ngân hàng, tổ chức tài chính thẩm định bằng cách sử dụng nguyên tắc 5C, bao gồm 5 chỉ tiêu cấu tạo nên mô hình:

1. Character (Uy tín và thái độ của người vay)

Trong hoạt động tín dụng, uy tín và thái độ của khách vay được xem là yếu tố quyết định việc một khoản vay có được phê duyệt hay không. Bởi lẽ, căn cứ vào yếu tố này, ngân hàng sẽ đánh giá được việc người vay có khả năng chịu trách nhiệm và có xu hướng trả nợ đúng hạn không. Các vấn đề liên quan đến uy tín, thái độ của người đi vay bao gồm: Vấn đề hợp tác với ngân hàng, tổ chức tài chính, sự minh bạch trong mục đích vay, đơn vị công tác, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn,…

Uy tín và thái độ của khách vay là yếu tố quyết định việc một khoản vay có được phê duyệt hay không
Uy tín và thái độ của khách vay là yếu tố quyết định việc một khoản vay có được phê duyệt hay không

Về cơ bản, chữ “C” đầu tiên trong quy tắc 5C tín dụng thực chất đề cập đến lịch sử tín dụng của khách vay. Thông qua các báo cáo tín dụng hoặc các dữ liệu tại trung tâm thông tin tín dụng CIC, ngân hàng sẽ kiểm tra được thông tin về các khoản vay trong quá khứ, những khoản nợ trước đây, lịch sử trả nợ đúng hạn hay không, điểm tín dụng của khách hàng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng – Làm sao để khách mua nhà tiếp cận được

Thông thường, điểm tín dụng của khách vay càng cao, lịch sử tín dụng càng tốt thì khả năng được chấp thuận khoản vay càng lớn và ngược lại. Bên cạnh đó, điểm tín dụng cũng được xem là một phương tiện để thiết lập lãi suất và các điều khoản cho vay. Một khách hàng luôn trả nợ đúng hạn và hoàn thành tốt các hợp đồng tín dụng sẽ được ưu tiên hơn một khách hàng đã từng có tiền lệ nợ xấu.

Có thể nói rằng, chỉ tiêu “Character” là yếu tố đầu tiên được phân tích trong nguyên tắc 5C tín dụng.

2. Capacity (Năng lực của người đi vay)

Capacity là chỉ tiêu đề cập đến năng lực, khả năng trả nợ khoản vay của khách hàng dựa trên dòng tiền sẵn có của họ. Tổ chức tín dụng sẽ ước tính được việc người vay có khả năng nhận thêm một khoản nợ mới không thông qua sự so sánh giữa thu nhập và các khoản phải trả định kỳ, sau đó đánh giá hệ số nợ trên thu nhập (DTI) của người vay.

Năng lực của người đi vay chỉ tiêu đề cập đến năng lực, khả năng trả nợ khoản vay
Năng lực của người đi vay chỉ tiêu đề cập đến năng lực, khả năng trả nợ khoản vay

Hệ số nợ trên thu nhập (DTI) càng thấp thì khả năng thanh toán của người vay càng cao, tức là cơ hội để được cấp khoản vay cũng càng cao. Thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ có quy định cụ thể về “ngưỡng an toàn” cho tỷ lệ nợ trên thu nhập của người đi vay.

Bên cạnh đó, để biết chính xác kế hoạch trả nợ của khách hàng trong tương lai, tổ chức tín dụng sẽ xem xét mức thu nhập hiện tại, khoảng thời gian làm việc ở vị trí công việc hiện tại cũng như sự ổn định của công việc trong tương lai của khách hàng. Qua đó dự tính được thời gian trả nợ, luồng tiền sẽ được sử dụng để trả nợ cũng như xác suất trả nợ đúng hạn của khách hàng.

Đối với trường hợp khách vay là doanh nghiệp, tổ chức cấp tín dụng sẽ phân tích các báo cáo tài chính để xem xét tình hình tài chính, tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn tiền.

3. Capital (Vốn)

Trong quá trình thẩm định tín dụng, chỉ tiêu về vốn luôn là yếu tố được quan tâm đặc biệt. Nguồn vốn chủ sở hữu có thể huy động được trong quá trình hoạt động và nó được tổ chức tín dụng coi như một điểm báo cam kết rủi ro của người đi vay đối với hoạt động kinh doanh.

Dù mục đích của khoản vay là vay kinh doanh, vay có thế chấp hay vay với mục đích khác thì tổ chức tín dụng vẫn sẽ yên tâm hơn khi khách hàng có nguồn vốn chủ sở hữu lớn, đồng thời có thể đóng vào trước một số vốn. Khoản tiền đóng vào ban đầu này càng lớn, độ nghiêm túc của người đi vay càng cao và nó sẽ giúp người vay dễ dàng được chấp nhận cho vay hơn.

  • Với trường hợp là khách hàng cá nhân, người đi vay có thể thanh toán các khoản trả trước của khoản vay mua nhà, mua oto,…. để biểu thị mức độ nghiêm túc của mình.
  • Với trường hợp khách hàng đi vay nhằm đầu tư, tổ chức tín dụng sẽ xem xét số vốn mà người đi vay đã bỏ vào hoạt động kinh doanh, ví dụ như nguồn tiền tự có, trang thiết bị, hàng tồn kho,….

Dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng là gì? Hướng dẫn cách rút tiền từ thẻ tín dụng

4. Collateral (Tài sản đảm bảo)

Tài sản đảm bảo là yếu tố khiến tổ chức tín dụng cảm thấy tin tưởng hơn. Trong trường hợp người đi vay không còn khả năng thanh toán khoản vay, tổ chức tín dụng có thể lấy lại một phần hoặc toàn bộ tài sản thế chấp để thanh toán khoản vay. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngân hàng được ưu tiên quyền xử lý tài sản thế chấp của khách hàng trước các chủ nợ khác. 

Tài sản đảm bảo là yếu tố khiến tổ chức tín dụng cảm thấy tin tưởng hơn
Tài sản đảm bảo là yếu tố khiến tổ chức tín dụng cảm thấy tin tưởng hơn

Đối với ngân hàng, tài sản thế chấp chính là sự đảm bảo, đồng thời là nguồn trả nợ thay thế ngoài dòng tiền trả nợ dự tính. Do đó, tài sản thế chấp hoặc sự bảo lãnh của bên thứ ba chính là một hình thức khác mà người đi vay có thể đảm bảo với ngân hàng khi đi vay vốn.  

Khách hàng có thể sử dụng các tài sản của cá nhân hoặc của doanh nghiệp làm tài sản thế chấp. Hiện nay, ngân hàng cho phép sử dụng nhiều loại tài sản khác nhau để thế chấp, ví dụ như bất động sản, động sản, giấy tờ có giá, tài sản hình thành từ vốn vay, nhà ở, oto…

Trong hoạt động tín dụng, các khoản vay được bảo đảm bằng tài sản thế chấp thường có lãi suất thấp hơn và các điều khoản tốt hơn là hình thức vay vốn không có tài sản bảo đảm, ví dụ như vay tín chấp.

5. Conditions (Điều kiện khác)

Trong hoạt động cho vay, các tổ chức tín dụng luôn phải thận trọng và tính đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đó là khách hàng không thanh toán được khoản nợ. Do đó, ngoài 4 yếu tố nêu trên, các tổ chức này còn cân nhắc đến những điều kiện khác như: Uy tín của người tham khảo được dẫn chiếu, khoảng thời gian khách hàng làm công việc hiện tại, tình hình sức khỏe, Khoản vay được sử dụng cho mục đích gì, ví dụ như là để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, mua sắm máy móc, trang thiết bị hay dự trữ nguyên vật liệu, hàng tồn kho….

Bên cạnh đó, các điều kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của khách hàng cũng được xem xét để xác định khoản vay có phù hợp với khách hàng đó hay không. Những yếu tố này có thể là tình hình vĩ mô của nền kinh tế, xu hướng thay đổi của ngành (trong trường hợp cho vay kinh doanh), các thay đổi về chính sách pháp luật và các điều kiện khác có liên quan. Chính vì vậy, những những công ty có doanh số ổn định, ít chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế thì thường được các tổ chức cho vay ưu tiên hơn khi duyệt khoản vay.

Ngoài 5 chỉ tiêu kể trên thì hiện nay, chữ C thứ 6 cũng được quan tâm, đó chính là Coverage (Bảo hiểm). Chỉ tiêu này có thể là các khoản bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh hoặc bảo hiểm cho những cá nhân nắm quyền điều hành doanh nghiệp, ví dụ như chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc…. Theo đó, nếu doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ tất toán khoản vay đúng hạn hoặc lãnh đạo chủ chốt tử vong hoặc mất năng lực hành vi, công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo việc thanh toán cho tổ chức cho vay.

Ý nghĩa của quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng

Ý nghĩa của việc phân tích mô hình 5C trong tín dụng
Ý nghĩa của việc phân tích mô hình 5C trong tín dụng

Trong thẩm định tín dụng, quy tắc 5C tín dụng được xem là quy tắc quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn.

1. Đối với tổ chức tín dụng

Quy tắc 5C đưa ra một khuôn khổ khách quan, tổng quát mà tổ chức tín dụng có thể dùng để xác định được việc khách hàng có đủ điều kiện tiếp nhận khoản vay không. Dựa vào các chỉ tiêu này, bên cho vay có thể phác thảo cấu trúc cơ bản của phân tích tín dụng để xác định mức độ tín nhiệm của người đi vay. Đồng thời, 5C cũng tạo ra tác động lớn đến quá trình phê duyệt khoản vay. Cụ thể:

  • Thông qua việc phân tích 5C, tổ chức tín dụng sẽ có cơ sở để đánh giá đâu là một khoản cho vay tốt và độ uy tín của khách hàng vay.
  • Giúp tổ chức tài chính có thể thẩm định hồ sơ một cách chuyên nghiệp, giảm tải thời gian xét duyệt và chi phí.
  • Giúp tổ chức tín dụng dự tính được khả năng vỡ nợ của người đi vay, từ đó dự báo được rủi ro về tổn thất tài chính có thể xảy ra. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức này đưa ra quyết định là cho vay nhiều hay ít, hay từ chối hồ sơ vay để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thu hồi vốn.
  • Giúp tổ chức tín dụng đánh giá được đúng khả năng tài chính của bên đi vay trong suốt quá trình vay vốn.
  • Giúp tổ chức cho vay thẩm định tính khả thi của phương án sử dụng vốn.

2. Đối với người đi vay

Khi hiểu về nguyên tắc 5C trong tín dụng, người đi vay có thể tự đánh giá hồ sơ vay của mình. Qua đó, phát huy những điểm mạnh và cố gắng cải thiện những điểm yếu để hồ sơ có thể được phê duyệt dễ dàng hơn, cụ thể như sau:

  • Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý, loại bỏ những khoản chi không cần thiết, tăng tỷ lệ tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi.
  • Cố gắng thanh toán đúng hạn các khoản vay hiện tại và hạn chế tối đa các khoản nợ quá hạn.
  • Cân nhắc về việc trả trước một phần tiền hoặc ký quỹ một phần vốn khi vay, đồng thời đưa ra những tài sản đảm bảo để có thể tăng thêm sự uy tín. Điều này sẽ giúp người đi vay có thể thương lượng về những điều kiện vay có lợi hơn cho mình.
  • Sử dụng khoản vay vốn với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đồng thời lập kế hoạch trả nợ hợp lý.

Có thể nói rằng, quy tắc 5C trong tín dụng có vai trò rất quan trọng đối với việc xét duyệt khoản vay. Thông qua sự phân tích này, tổ chức tín dụng sẽ đưa ra được quyết định chấp thuận vay vốn hay không. Còn đối với người đi vay, việc hiểu rõ về quy tắc 5C tín dụng trước khi nộp hồ sơ vay sẽ giúp họ có cái nhìn rõ ràng trong quy trình thẩm định, từ đó xây dựng được phương hướng chuẩn bị tốt hơn cho mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *