Đầu tư công là gì? Ý nghĩa của đầu tư công với kinh tế Việt Nam

Đầu tư công là gì? Việc nhà nước ban hành đạo luật về đầu tư công có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây 3Gang sẽ giúp bạn giải đáp một số câu hỏi cụ thể về vấn đề này.

1. Đầu tư công là gì?

Tại khoản 15 Điều 4 Luật đầu tư công năm 2019 có quy định:

“Đầu tư công được xem là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và các đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật đầu tư công”.

 

 

Đầu tư công bao gồm các hoạt động, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định các chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao các chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 thì căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

“a) Dự án có cấu phần xây dựng được xem là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả việc mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

 

b) Dự án không có cấu phần xây dựng được xem là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.”

 

Khái niệm đầu tư công
Khái niệm đầu tư công

Đồng thời, theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để tiến hành sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, và mở rộng cơ sở vật chất, phạm vi điều chỉnh không bao gồm những điều sau:

“1. Kinh phí dùng để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, và mở rộng cơ sở vật chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội;

2. Xây dựng mới những hạng mục công trình trong các cơ sở đã có;

3. Các dự án sử dụng vốn đầu tư công; (4) Các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, và mở rộng có tính chất đặc thù đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng”.

 

Theo như các quy định nêu trên, các dự án cải tạo, nâng cấp, và mở rộng cơ sở vật chất thuộc vào nhóm dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, phải yêu cầu thực hiện theo quy trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, và quyết định dự án đầu tư theo như quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Các hoạt động sửa chữa, hay bảo trì dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo Thông tư hướng dẫn số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

2. Nguyên tắc quản lý đầu tư công

Điều 12 Luật đầu tư công năm 2014 quy định rõ Nguyên tắc quản lý đầu tư công như sau:

  •       Tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
  •       Thực thi đúng trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước,các  tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
  •       Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công đúng với quy định cho từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư một cách tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để bị thất thoát, lãng phí.
  •       Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công gồm có: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thi hành các chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;  Các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Các nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;  Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên từng địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực thi và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;…

3. Vốn đầu tư công là gì?

Vốn đầu tư là tiền hay tài sản khác được sử dụng để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Vốn đầu tư công là gì?

Theo điều 4 Luật Đầu tư Công (2013) quy định như sau:

“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, hay dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, hay dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.”

 Do đó, vốn đầu tư công là khái niệm dùng để chỉ nguồn vốn mà Nhà nước chi từ tiền ngân sách ra, để tiến hành đầu tư vào các dự án cần thiết phục vụ đời sống của nhân dân và sự phát triển của xã hội.

4. Đặc điểm của vốn đầu tư công

Dựa trên khái niệm vốn đầu tư công đã được đề cập ở trên trên và các điều luật liên quan chúng ta có thể thấy 2 đặc điểm nổi bật của loại vốn này như sau:

Tại điều 1, Luật Đầu tư Công, quy định vốn đầu tư công gồm có: vốn ngân sách của nhà nước, vốn công trái của quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu của chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ các nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư, …

Vốn đầu tư công được dùng để đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cũng như đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

5. Phân loại vốn đầu tư công

  •   Vốn ngân sách của nhà nước

Vốn ngân sách của nhà nước là gì? Đây là nguồn vốn được quyết định và giải ngân vốn đầu tư công đến các bộ phận ban ngành, địa phương. Nguồn vốn giải ngân đầu tư công đến từ ngân sách của nhà nước, được sử dụng để xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội. Đây là nguồn vốn không thể hoàn lại, không có khả năng thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn chậm. Vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế nhà nước.

  •   Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ

 Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ là nguồn vốn đầu tư xuất phát từ các chương trình hỗ trợ đầu tư quốc gia được quyết định bởi chính phủ quốc gia.

  •   Vốn tín dụng đầu tư

Đây nguồn vốn của nhà nước, được chính phủ cho vay với mức lãi suất bằng với nguồn vốn tự do hay vốn ODA. Vốn tín dụng này được dùng để đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nhà nước nhằm tiến hành các mục tiêu nhất định.

  •   Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước

Nguồn vốn này gồm có giải ngân tiền vốn từ ngân sách nhà nước đã cung cấp cho các doanh nghiệp, cùng với các khoản thu có lợi nhuận hoặc vốn vay của các doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh. quản lý và phân bổ sử dụng hợp lý vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực được dùng nhằm mục đích đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế nước nhà.

  •   Vốn vay trong và ngoài nước

Song song với các nguồn vốn đến từ các nguồn trong nước như ngân sách của nhà nước, tín dụng đầu tư, thì nguồn vốn vay cả trong và ngoài nước đều cần thiết để thực hiện những dự án quan trọng. Đây là nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài đối với các dự án đầu tư trong nước. Nguồn vốn trong nước gồm có trái phiếu của địa phương hoặc trái phiếu của chính phủ (phiếu ngoại tệ, phiếu kho bạc, trái phiếu đầu tư, hoặc công trái xây dựng…).

6. Ý nghĩa của luật đầu tư công

Tại Hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công trong bối cảnh cải tiến mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam do Ủy ban Kinh tế tổ chức, nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành một đạo luật về đầu tư công. Khung pháp lý này sẽ là nền tảng quan trọng để nguồn vốn Nhà nước trở thành một công cụ hữu ích trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều tiết sự phát triển của xã hội.

Cơ cấu đầu tư hợp lý sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, thông thường chiếm khoảng 40-42% GDP; phần vốn của Nhà nước và có tính chất của Nhà nước chiếm khoảng 30-35%. Năm 2009, vốn đầu tư của Nhà nước so với GDP là 17,3% tính trên tổng số vốn đầu tư công. Nếu xét trên cả tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng trong tổng đầu tư Nhà nước, thì những ngành lớn, quan trọng, có thế mạnh trong phát triển dài hạn của đất nước đều có tỷ trọng đầu tư thấp. Do đó, việc sử dụng đầu tư công để tác động vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hay chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế đất nước còn hạn chế. Sự lan tỏa của đầu tư Nhà nước cho các ngành công nghiệp tiên tiến, có công nghệ cao chưa rõ ràng. Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư công hầu như không có sự chuyển biến đáng kể trong vòng 10 năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với tình hình này, Nhà nước đã không hề sử dụng đầu tư công như một công cụ hữu ích để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều tiết sự phát triển xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 đã xác định rõ: thực hiện chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết là phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm dần đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư. Để bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, cần sớm nhận biết, đánh giá, phân tích và làm rõ hiệu quả của đầu tư công hiện nay nhằm góp phần xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở giai đoạn mới. Một cơ cấu đầu tư hợp lý sẽ góp phần mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều, tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo đánh giá của hầu hết Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia tham dự Hội thảo, đầu tư công trong giai đoạn những năm gần đây đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đất nước, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên đánh giá hiệu quả đầu tư công không chỉ bằng cách đo đếm số lượng công trình, dự án được hoàn thành, mà cần phải dựa trên tương quan giữa lượng vốn đã bỏ ra và hiệu quả đạt được. Đầu tư công không chỉ có trách nhiệm duy nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà bên cạnh đó còn phải thực hiện nhiệm vụ ổn định nền kinh tế, tăng phúc lợi xã hội, tạo điều kiện để nâng cao công bằng xã hội… Tính hiệu quả của đầu tư công không chỉ xác định bằng định lượng, mà còn phải đánh giá thông qua các tác động đến cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, tái cơ cấu đầu tư công cũng là cơ cấu việc sử dụng vốn nhà nước, nhằm bảo đảm vốn đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn.

Đầu tư hợp lý sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hoàn thiện khung pháp lý là giải pháp căn cơ

Theo quan điểm của các đại biểu tham dự Hội thảo, đối với một quốc gia có nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam thì việc hoạch định được một cơ cấu đầu tư công hợp lý sẽ có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Ngược lại nếu cơ cấu đầu tư công không đúng thì sẽ dẫn đến sự lãng phí lớn hơn kèm cả sự tham nhũng hay thất thoát trong thực hiện. Một cơ cấu đầu tư đúng sẽ là đáp án cho câu hỏi: trong mỗi giai đoạn cần tập trung ưu tiên đầu tư vào đâu? Lượng vốn như thế nào được coi là thích hợp cho từng nội dung trong mỗi giai đoạn?

Để tái cơ cấu đầu tư công, nhiều ý kiến đề xuất cần từ bỏ mô hình tăng trưởng nóng, chỉ dựa vào tăng vốn đầu tư, chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, chú trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời thay đổi cơ cấu chi tiêu ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng nhà nước kinh doanh để tăng cường chức năng nhà nước phúc lợi. Thay vì duy trì mãi vai trò là nhà đầu tư lớn nhất Nhà nước phải đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút thêm các nguồn vốn khác, giảm tỷ trọng vốn Nhà nước xuống so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tập trung đầu tư công vào một số trọng điểm, mang đến tính đột phá như kết cấu hạ tầng quan trọng; một số các ngành, lĩnh vực có tác động lan tỏa rộng về mặt công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Theo ông Vũ Viết Ngoạn – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ cấu đầu tư công có mối liên hệ mật thiết với chiến lược phát triển kinh tế. Muốn có cơ cấu đầu tư đúng thì phải có chiến lược phát triển đúng đắn. Chiến lược này phải được xây dựng dựa trên quy hoạch phát triển đúng trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong thực tế, tình trạng đầu tư đang bị dàn trải, không cân đối; cái chưa cần lại đầu tư; đầu tư không đồng bộ… Nguyên nhân sâu xa là do khâu hoạch định chiến lược và quy hoạch còn nhiều bất cập. Do đó chìa khóa giải quyết cơ cấu đầu tư công là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung và quy hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực.

Tuy nhiên giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả đầu tư công trước hết là phải tập trung hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là sớm ban hành Luật về đầu tư công. Bởi vì hiện nay, mặc dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về đầu tư công, song vẫn thiếu so với đòi hỏi thực tế của quản lý đầu tư công. Chẳng hạn, Luật Ngân sách Nhà nước vẫn chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục phê duyệt, hay quá trình giám sát việc thực hiện, đánh giá các dự án, công trình đầu tư công. Luật Xây dựng mới chỉ đang tiếp cận đầu tư công dưới góc độ thiên về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của một dự án, mà chưa hề quan tâm đúng mức đến ảnh hưởng về mặt xã hội. Trong khi đó, Luật Đầu tư chỉ có quy định liên quan đến các dự án, công trình sử dụng cho mục đích kinh doanh, chưa điều chỉnh đến những dự án, công trình phục vụ lợi ích công cộng. Ngoài ra, nhiều quy định của một số văn bản quy phạm phát luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về giám sát đối với đầu tư công, vì mới chú trọng đến quy trình, thủ tục, và nghĩa vụ tuân thủ của công dân. Nhiều ý kiến đề xuất, quy định về giám sát trong luật chuyên ngành về đầu tư công cần xác định cụ thể đến cơ chế thực hiện, hay chế tài xử phạt… Có như vậy Luật về Đầu tư công mới không trở thành lá chắn cho nhóm lợi ích.

Đầu tư hiệu quả là đòn bẩy hữu ích cho phát triển kinh tế của quốc gia. Tìm ra được giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư là đóng góp vô cùng thiết thực để thúc đẩy và thực hiện hiệu quả tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Ông Hà Văn Hiền Chủ nhiệm UB Kinh tế nhấn mạnh, sẽ tổng hợp và chắt lọc kỹ càng các ý kiến phát biểu tại Hội thảo để cung cấp cho cơ quan xây dựng chính sách và các ĐBQH. Trước Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII, các đề xuất của chuyên gia về đầu tư công cũng đã được thu thập và trở thành tài liệu bổ ích cho ĐBQH khi thảo luận về kinh tế – xã hội trong năm 2010, đồng thời kiến nghị các giải pháp cho năm 2011. Hoạt động này cũng góp phần giúp kết quả của Hội thảo có sức lan tỏa rộng khắp, không chỉ dừng lại ở việc trao đổi giữa cơ quan của QH với các chuyên gia kinh tế – xã hội. Qua đó, góp phần đưa nguồn vốn Nhà nước trở thành một công cụ hữu hiệu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều tiết sự phát triển của đất nước.

 7. Một số hành vi bị cấm trong đầu tư công

Tại điều 16 Luật đầu tư công năm 2019 đã quy định Các hành vi bị cấm trong đầu tư công bao gồm:

  •       Quyết định những chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, và kế

hoạch; không xác định cụ thể được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thực hiện không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

  •       Quyết định đầu tư các chương trình, dự án khi chưa được các cấp có thẩm quyền quyết

định chủ trương đầu tư hoặc thực hiện không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt quá tổng số vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Tự ý quyết định điều chỉnh tổng số vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.

  •       Lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản

lý và sử dụng vốn đầu tư công.

  •       Chủ dự án, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương

đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, và tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.

  •       Cấu kết đưa, nhận, môi giới hối lộ.
  •       Tự ý yêu cầu các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư ra khi chương trình, dự án chưa được

quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nên tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

  •       Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt quá tiêu

chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

  •       Cố tình giả mạo, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương

đầu tư, quyết định đầu tư, và triển khai thực hiện chương trình, dự án.

  •       Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin sai trái, không trung thực, không khách quan ảnh

hưởng đến quá trình lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

  •       Cố ý hủy hoại, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến

quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện các chương trình, dự án.

  •       Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

8. Vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế Việt Nam

Từ lâu, người ta đã cho rằng thúc đẩy đầu tư công chính là tạo ra động lực to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, giúp cho nền kinh tế đất nước có được sự tăng trưởng tốt bảo đảm cuộc sống của người dân và cộng đồng dân cư. Thông qua các khảo sát cũng như nghiên cứu qua lý thuyết và thực tế từ năm 1995 đến nay đã khẳng định chắc chắn rằng đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của Việt Nam.

Vai trò của đầu tư công với nền kinh tế Việt Nam

Đầu tư được coi là động lực chính yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bản chất của mối quan hệ này đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu mang tính lý thuyết và thực nghiệm. Một số nghiên cứu ngoài nước đã phân biệt giữa đầu tư tư nhân và đầu tư công, trong đó đầu tư công thường được cho là đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Việc phân biệt như vậy rất thiết thực vì đầu tư cho kết cấu hạ tầng có nhiều điểm khác biệt với nguồn vốn được sử dụng trong các doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng là nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động của các cá nhân. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong một khu vực được hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng đó mà không mất thêm chi phí nào hoặc ít nhất với mức chi phí thấp hơn nếu kết cấu hạ tầng đó phải được cung cấp cho người sử dụng thêm đó, nên kết cấu hạ tầng cũng coi như cung cấp những lợi ích ngoại lai cho những người sử dụng đó.

Luật Đầu tư công được ban hành tại Việt Nam vào năm 2014, trong đó có định nghĩa đầu tư công không bao gồm nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của nhà nước, đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số vốn đầu tư và đóng vai trò quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của đầu tư nói chung. Trong giai đoạn 1995-2013, đầu tư công chiếm 40% tổng vốn đầu tư, cao gấp đôi tỷ trọng FDI và đầu tư tư nhân. Sau khi giảm nhẹ vào năm 2010, năm 2011 tỷ trọng đầu tư công đã phục hồi trở lại và đạt mức cao của năm 2009 (40,4% tổng vốn đầu tư). Tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm 2013 cũng tương quan mạnh mẽ với mức độ tăng trưởng đầu tư 7,3% của năm đó. Tuy nhiên bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng này, cơ cấu đầu tư công vẫn được coi là có vấn đề ở chỗ là nó chỉ tập trung vào doanh nghiệp nhà nước. Do đó, có hiện tượng chèn ép đầu tư tư nhân và ít thu hút được các loại hình đầu tư khác.

9. Kết luận

Với những kiến thức mà 3Gang đã chia sẻ phía trên, hi vọng sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc đầu tư công là gì? cũng như vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế Việt Nam. Hãy đón xem nhiều bài viết của 3Gang để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính, đầu tư & tích lũy hơn nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *